Trang tin công nghệ Techcrunch mới đây đã đăng tải thông tin có hơn 700.000 camera IP trên toàn thế giới đang bị theo dõi và hình ảnh bị chia sẻ công khai trên mạng. Theo số liệu trên trang Insecam.com ngày 12-11, có 656 camera IP từ Việt Nam bị chia sẻ hình ảnh. Những hình ảnh được chia sẻ này là từ các camera IP tại Cần Thơ, Hà Đông (Hà Nội), Bắc Ninh… và là hình ảnh giám sát từ các nhà trẻ, nhà xưởng, cá biệt có cả hình ảnh từ các văn phòng, công sở. Không chỉ có hình ảnh bị chia sẻ mà vị trí tọa độ trên bản đồ Google Maps, tên đăng nhập, mật khẩu của camera IP cũng bị đưa lên đây.
Hình ảnh từ camera IP của một trường mẫu giáo tại Cần Thơ bị chia sẻ trên mạng ngày 12-11 Ảnh: CHÁNH TRUNG
Hình ảnh từ camera IP của một trường mẫu giáo tại Cần Thơ bị chia sẻ trên mạng ngày 12-11 Ảnh: CHÁNH TRUNG
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, cho biết: “Nguyên nhân của sự việc này là do những người lắp đặt camera IP đã để nguyên tên đăng nhập và mật khẩu mặc định do nhà sản xuất gắn sẵn cho từng dòng camera IP. Những tên đăng nhập, mật khẩu này vốn được các nhà sản xuất camera công bố công khai nên ai cũng có thể biết, trong đó có các tin tặc (hacker) hay những người thích tò mò. Do đó, việc xâm nhập các camera này khá dễ dàng. Các hacker sẽ sử dụng công cụ quét (scan) địa chỉ IP (có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng), sau đó tìm kiếm địa chỉ IP nào có mở cổng mặc định của camera IP. Tiếp đó, khi đã xác định được các IP của camera, hacker sẽ thử đăng nhập bằng tên đăng nhập, mật khẩu mặc định của camera. Nếu tên đăng nhập và mật khẩu đúng với camera này thì hacker sẽ chính thức đăng nhập được vào camera IP. Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là người dùng đã sơ hở khi để nguyên tên đăng nhập và mật khẩu mặc định của camera IP mà không đổi lại nên hacker mới dễ dàng thâm nhập được camera. Vì vậy, để tránh tình trạng camera IP của mình bị xâm nhập, người dùng khi lắp đặt cần phải thay đổi tên đăng nhập, mật khẩu của camera, sau đó đổi tên camera (không đặt tên là camera 1, camera 2… vốn rất dễ bị dò ra). Điều quan trọng nhất là nên chọn mua các camera IP có tính năng security (bảo mật) mạnh để tránh bị xâm nhập dễ dàng. Ngoài ra, khi lắp đặt camera IP thì có thể tắt tính năng chia sẻ ra bên ngoài (nếu camera có tính năng này) để tránh việc bị người khác chia sẻ hình ảnh lên mạng internet”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi với chủ một số cửa hàng, doanh nghiệp… có lắp đặt camera IP tại TP HCM cho thấy nhiều nơi hoàn toàn phó mặc việc bảo mật camera IP cho các đơn vị lắp đặt. Nhiều nơi cho biết tất cả các công đoạn cài đặt, lắp đặt camera IP đều do các đơn vị thi công thực hiện, họ chỉ nhận tiến hành giám sát an ninh từ khâu bàn giao cuối cùng. Các chuyên gia công nghệ cảnh báo hành động này có thể dẫn đến tình trạng hình ảnh từ camera IP của người dùng Việt Nam sẽ bị chia sẻ trên internet và bất cứ ai cũng có thể xem được.